Kiên Giang ưu tiên vaccine cho Phú Quốc để phục hồi du lịch
Thời gian gần đây, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa Thể thao du lịch ) đã có nhiều cuộc họp theo mô hình trực tuyến với các địa phương nhằm trao đổi biện pháp mở cửa trở lại du lịch nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn phòng chống, dịch bệnh và mang đến hiệu quả cao. Theo đó, bước đầu một số địa phương đã cho phép một số dịch vụ du lịch được hoạt động trên địa bàn.
Tuy nhiên, sau khi lên kế hoạch thí điểm đón khách trở lại tại các điểm “vùng xanh” đáp ứng đầy đủ các tiêu chí an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19, nhiều địa phương đành phải lùi lại thời điểm đón khách do thiếu một tiêu chí quan trọng đó là “thẻ xanh” vaccine. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách hiện nay là cần giải bài toán tiêm vaccine cho đội ngũ nhân viên phục vụ du khách cũng như người dân tại các địa phương chuẩn bị đón khách du lịch.
Điển hình, mới đây Phú Quốc cũng đành lùi thời điểm đón khách du lịch đến cuối tháng 11, một phần do xuất hiện ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng, phần khác do tỷ lệ bao phủ vaccine cho người dân chưa đạt yêu cầu. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP. Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng thông tin, điều cần nhất hiện nay là sớm có vaccine để tập trung tiêm cho người dân, người lao động… hướng đến mục tiêu miễn dịch cộng đồng. Thế nhưng, do phải tập trung xét nghiệm nhanh để truy vết các trường hợp liên quan đến F0 mới phát hiện trong cộng đồng, nên công tác tiêm chủng bị gián đoạn theo kế hoạch.
Mới đây, tỉnh Kiên Giang đã được Bộ Y tế phân bổ thêm 400.000 liều vaccine, trong đó có 300.000 liều Vero Cell, 95.000 liều AstraZeneca và 22.230 liều Pfizer. Theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Kiên Giang, đợt tiêm vaccine lần thứ 4 này, tỉnh sẽ ưu tiên tiêm cho 100% người dân ở Phú Quốc, TP.Rạch Giá, TP. Hà Tiên và huyện biên giới Giang Thành. Trong đó, TP. Phú Quốc tiêm vaccine toàn dân để triển khai thí điểm mở cửa đón khách quốc tế theo theo kết luận 07 của Bộ Chính trị.
Ông Phạm Văn Nghiệp, Phó chủ tịch UBND TP. Phú Quốc cho biết, từ ngày 1/10, địa phương này sẽ tiến hành tiêm ngừa vaccine cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên. Phú Quốc đã tổ chức khoảng 80 bàn tiêm rải đều trên các địa bàn. Tỉnh Kiên Giang đã hỗ trợ tăng cường 170 nhân sự phục vụ cho việc tiêm ngừa trên đảo. Nếu tốc độ “phủ” vaccine đủ nhanh, dự kiến từ trung tuần tháng 11 tới, Phú Quốc sẽ bắt đầu mở cửa đón du khách trở lại theo kế hoạch thí điểm hộ chiếu vaccine kéo dài 6 tháng.
Phú Quốc có khoảng 35% dân số đã được tiêm vaccine mũi 1 và 6% dân số được tiêm mũi 2. UBND TP. Phú Quốc chỉ đạo nơi nào vùng xanh đảm bảo an toàn thì tiêm vaccine bình thường, vừa tiêm vừa xét nghiệm vừa sàng lọc. Trước khi tiêm phải test nhanh, những người có kết quả âm tính được tiêm ngay.
Chính quyền tỉnh Kiên Giang hiện đưa ra nhiều tiêu chí để lựa chọn doanh nghiệp tham gia chương trình thí điểm. Trong đó, doanh nghiệp lữ hành phải có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, có thời gian hoạt động từ 3 năm trở lên, có nguồn khách phù hợp, đón tối thiểu 10.000 khách quốc tế đến Việt Nam (số liệu năm 2019), có hợp đồng với cơ sở lưu trú tham gia chương trình thí điểm…
Cơ sở lưu trú từ 3 – 5 sao trở lên hoặc được công nhận đủ điều kiện kinh doanh du lịch, có khu lưu trú riêng biệt cho khách quốc tế, có phòng hoặc khu vực riêng biệt để lấy mẫu xét nghiệm cùng nhiều yêu cầu về trang thiết bị và quy cách phục vụ nhằm tránh lây nhiễm. Theo yêu cầu của UBND tỉnh, phải đảm bảo ít nhất 90% dân cư và người lao động tiêm đủ vaccine thì Phú Quốc mới phục vụ du khách quốc tế.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành đề nghị Kiên Giang căn cứ tình hình công tác chuẩn bị để sớm lựa chọn thời điểm mở cửa đón khách, để các bộ ngành, doanh nghiệp cùng phối hợp chuẩn bị và triển khai công việc. Cần thực hiện theo từng lộ trình ngắn hơn, để kịp thời đánh giá, rút kinh nghiệm, để có những điều chỉnh phù hợp.
Việc mở cửa du lịch quốc tế ở Phú Quốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ đối với Phú Quốc mà còn cả ngành du lịch Việt Nam. Ông Phương cũng yêu cầu việc thiết kế tour du lịch khép kín dành cho khách du lịch để tránh tiếp xúc, hạn chế tối đa những rủi ro dịch bệnh có thể xảy ra. Liên quan đến ứng dụng công nghệ phục vụ đón khách quốc tế, lãnh đạo Trung tâm Thông tin du lịch, cho biết Tổng cục Du lịch đã xây dựng ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn, trong đó tích hợp hệ thống đăng ký và khai báo an toàn Covid-19 đối với các cơ sở kinh doanh du lịch.
Về mô hình đón khách khép kín, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt khẳng định có 4 yếu tố quan trọng: tiêm đủ vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng; chứng nhận tiêm chủng vaccine; quy trình y tế phòng chống dịch; và năng lực chăm sóc sức khỏe, xử lý sự cố y tế. Tỉnh Kiên Giang cần quan tâm xây dựng kế hoạch, phối hợp với các bộ ngành, cơ quan liên quan để bảo đảm thực hiện 4 yếu tố trên.
Thứ trưởng nhấn mạnh, mở cửa du lịch là vấn đề đang được nhiều địa phương quan tâm. Một số địa phương hiện đang căn cứ kế hoạch của Bộ để chủ động xây dựng kế hoạch của mình, như Khánh Hòa, Quảng Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu…, trước mắt phục vụ khách nội tỉnh.
Phản hồi